Hơn 30 năm qua, ngôi nhà số 13 phố Ngô Văn Sở (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã trở thành mái ấm cho những đứa trẻ cơ nhỡ. Dù đã ngấp nghé tuổi 80 nhưng đều đặn hằng ngày bà cùng chồng là ông Vũ Tiến đã lo toan từng bữa cơm, chăm sóc đến việc dạy học cho những đứa trẻ lang thang không nơi nương tựa. Bà Vũ Thị Ngọc Oanh nhớ lại: “Hơn 30 năm trước, chúng tôi mở quán cơm để kiếm đồng ra đồng vào nuôi con ăn học. Hằng ngày quán có nhiều người già, trẻ nhỏ đến xin cơm. Nhìn những đứa trẻ ốm yếu, mặt mũi nhem nhuốc, đói khát, tôi không khỏi xót xa. Tôi cho chúng ăn và trẻ truyền tai nhau đến quán ngày một đông". Thế nhưng, việc quyết định đưa những trẻ lang thang này về nhà nuôi lại là do bà Oanh cảm động trước tấm chân tình của chồng mình. Trước đây, tuổi thơ của ông Tiến gắn liền với Ga Hà Nội. Ông từng là một đứa trẻ hàng ngày mưu sinh ở ga, trải qua những tháng ngày tuổi thơ khốn khó. Khi nhìn thấy những đứa trẻ này, ông không khỏi nhớ lại những năm tháng ấy. Ông muốn nhận những đứa trẻ về nuôi nấng dạy dỗ bởi ông hiểu cuộc sống ấy đối với những đứa trẻ khó khăn biết nhường nào. Bà Vũ Thị Ngọc Oanh dạy các em nhỏ múa hát sau giờ học văn hóa Thế nhưng với kinh tế lúc bấy giờ, bà Oanh còn nhiều đắn đo, bởi là một nhà giáo bà hiểu việc nuôi dạy cả trăm đứa trẻ không hề dễ dàng, đó là chưa kể đến kinh tế có đủ hay không. Nhưng cảm động trước câu chuyện của chồng, bà quyết định cùng ông đón những đứa trẻ lang thang về để cho chúng có một mái nhà. Năm 1989, ông bà gom hết những đứa trẻ lại và thành lập “Tổ bán báo xa mẹ” ra đời và hoạt động rất hiệu quả. Mọi vốn liếng do vợ chồng ông, bà bỏ ra mua báo và giao cho từng em đi đến các con phố của Hà Nội bán. Tất cả tiền bán báo sau mỗi buổi được chuyển trả lại tổ để tái sản xuất và phục vụ sinh hoạt hằng ngày của các em. Sau một thời gian, ông Tiến bà Oanh nhận thấy việc để các cháu phải ra ngoài kiếm sống từ sớm không tốt nên đã quyết định đưa các cháu về ở tại nhà số 13 Ngô Văn Sở để nuôi dạy và “Tổ bán báo xa mẹ” được đổi thành “Gia đình trẻ em mồ côi xa mẹ”. Nuôi dạy những đứa trẻ trở thành công dân tốt là ước nguyện của ông Vũ Tiến Để có kinh phí duy trì “Gia đình trẻ em mồ côi xa mẹ”, ông Tiến và bà Oanh mở một công ty kinh doanh du lịch, một quán ăn và quán cà phê. Có kinh phí để duy trì là chuyện không đơn giản nhưng dạy học, dạy kỹ năng sống cho các em còn khó khăn hơn. Phần lớn các em đến đây hầu như không biết chữ hoặc học hành dang dở. Muốn trẻ quay lại trường học, bà Oanh phải dạy kèm để các em theo kịp chương trình. Trải qua hơn 30 năm qua, bà Vũ Thị Ngọc Oanh và ông Vũ Tiến đã hỗ trợ cho gần 600 trẻ em, trong đó có 200 trẻ tham gia “Tổ bán báo xa mẹ”, 400 trẻ được nuôi ăn học. Không chỉ nuôi ăn học, ông bà còn định hướng nghề nghiệp khi cho các con theo học các trường nghề và đứng ra dựng vợ, gả chồng. Từng ấy năm tháng, ông, bà không nhớ hết được số lần vào vai bố, mẹ mang trầu, cau đi hỏi vợ cho các con. Tính ra ông bà cũng có đến cả gần nghìn đứa con dâu, rể, cháu nội, cháu ngoại. Đó là niềm hạnh phúc không gì sánh nổi sau những năm tháng đằng đẵng lo cho hết người con này đến người con khác có cuộc sống ấm no, có hành trang bước vào cuộc sống. Vợ chồng bà Vũ Thị Ngọc Oanh và ông Vũ Tiến Nhiều con là thế nhưng bà Oanh cho biết, ông bà có thể nhớ hết từng đứa một dù có nhiều cháu đã rời xa mái ấm này hàng chục năm. Nhưng cũng hàng chục năm ấy, những người con không bao giờ quên ơn “mẹ Oanh”, bố “Tiến” dù có đi xa đến đâu. Giờ đây, bà Vũ Thị Ngọc Oanh và ông Vũ Tiến đều đã gần 80 tuổi, sức khỏe không được như xưa, “Tổ bán báo xa mẹ” cũng dần chỉ còn trong hoài niệm, nhưng với những người đã sống trong “Gia đình trẻ em mồ côi xa mẹ” và nhiều người vẫn không khỏi xúc động trước tấm lòng nhân ái của người mẹ, người cha vĩ đại này. Theo Báo Lao Động